HƯỚNG DẪN CÁCH CHỌN GIÀY CHO BÉ

Đăng bởi Admin bbshine vào lúc 12/03/2019

Hầu hết trẻ nhỏ bắt đầu tập đi vào khoảng 1 tuổi. Một số có thể sớm hơn hoặc trễ hơn. Việc chọn giày ở giai đoạn này là rất quan trọng. Thời điểm bé bắt đầu tập đi thì cũng là lúc bạn nên tìm hiểu về việc chọn giày cho bé. Đồng thời, bé cũng cần được thay giày thường xuyên hơn ở độ tuổi đang phát triển.

Dưới đây là 3 câu hỏi giúp bạn chọn được giày phù hợp nhất cho bé:

  • Làm thế nào để chọn giày vừa vặn cho bé?
  • Cấu trúc giày cho bé như thế nào?
  • Kiểu giày có phù hợp với độ tuổi của bé không?

Cùng tìm hiểu nào!

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỌN GIÀY CHO BÉ ĐƯỢC VỪA VẶN?

Hãy để ý CHIỀU DÀI, CHIỀU RỘNG và ĐỘ SÂU của giày khi cho bé thử. Một đôi giày không vừa vặn có thể gây ra những vấn đề về ngón chân. Có thể là móng chân cắm sâu vào thịt, ngón chân khoằm, chai ngón chân, viêm kẽ ngón chân…

Ở giai đoạn 1-5 tuổi, bàn chân bé phát triển rất nhanh. Vì vậy cứ mỗi 3-4 tháng bạn nên thay giày cho bé một lần. Tùy theo độ tuổi, thời gian kích thước chân bé tăng lên GẤP RƯỠI khác nhau:

  • Trẻ mới biết đi giai đoạn đầu (dưới 16 tháng tuổi): tăng lên trong 2 tháng
  • Trẻ từ 16-24 tháng tuổi: trung bình tăng lên mỗi 3 tháng
  • Trẻ nhỏ từ 24-36 tháng tuổi: tăng lên mỗi 4 tháng
  • Trẻ trên 3 tuổi: thời gian kéo dài hơn từ 4-6 tháng.

Với giày bít mũi, bạn cần kiểm tra độ sâu của giày phù hợp với độ cao bàn chân bé. Bạn nên chú ý vào phần mũi giày. Hãy thử kiểm tra độ mềm mũi giày bằng cách ấn thử lên mũi giày bé. Đôi giày phù hợp sẽ có sự đàn hồi, sau khi ấn sẽ bị lõm xuống và phồng trở lại. Nếu không thấy mũi giày lõm xuống, có thể đôi giày bị chật ở phần mũi, không thích hợp cho bé.

Ngoài ra, bạn cũng cần để ý phần miệng giày ở gót bé. Đặc biệt là giày búp bê cho bé gái, thường xuyên gặp tình trạng miệng giày cạ vào gót bé làm chân trầy và đau. Do đó, bạn cần lưu ý phần miệng giày phải được gia công kỹ, mài nhẵn, không được bé, sắc.

Tóm lại, nên mua giày rộng hơn 0,5 – 0,7 cm so với chiều dài chân bé để ngón chân được thoải mái. Không nên mua giày quá rộng ở mũi chân sẽ khiến chân bé bị trượt và bé đi không vững, dễ té ngã.

CẤU TRÚC GIÀY NHƯ THẾ NÀO?

Cấu trúc giày có 4 phần cơ bản: bề mặt giày, bên trong giày, đế giày và gót giày.

BỀ MẶT GIÀY

Chân bé thường dễ ra mồ hôi nhiều, đặc biệt với thời tiết nóng như ở Việt Nam. Vì vậy chọn chất liệu giày cho bé cũng rất quan trọng. Hạn chế chân bé bị ẩm, gây cảm giác khó chịu, thậm chí là một số bệnh ngoài da. Bạn nên chọn giày với chất liệu bằng DA, VẢI hoặc LƯỚI. Những chất liệu này sẽ giúp chân bé thoáng khí và thoát mồ hôi tốt. Ngoài ra, nên tránh các vật liệu nhân tạo.

BÊN TRONG GIÀY

Nếu chất liệu bề mặt giày là quan trọng thì chất liệu bên trong là vô cùng quan trọng. Đó là nơi tiếp xúc trực tiếp với da bé. Nếu không cẩn thận, chân bé có thể bị dị ứng và gây cảm giác khó chịu. Lời khuyên cho bạn là nên chọn những chất liệu thấm hút tốt.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm miếng lót đệm ở bàn chân. Miếng lót sẽ thấm hút mồ hôi dưới lòng bàn chân tốt hơn và thuận tiện cho việc vệ sinh giày cho bé.

ĐẾ GIÀY

Đế giày giúp hỗ trợ sức đẩy và tính linh hoạt cho giày. Giúp bé hoạt động, chạy, nhảy, đi bộ thoải mái hơn. Vì thế cũng phần nào ảnh hưởng tính năng động của bé trong các hoạt động thường ngày. Đặc biệt trong độ tuổi mới bắt đầu biết đi.

Các bạn tránh chọn đế giày có tính dính khi ma sát với mặt đất và quá dày. Vì bé sẽ dễ bị té ngã và kém linh động hơn. Ngược lại, nên chọn giày đế mỏng vừa phải, chất liệu nhựa dẻo hoặc cao su tốt có nhiều rãnh giúp ma sát tốt, chống trơn trượt sẽ phù hợp hơn cho bé.

Ngoài ra, với trẻ dưới 2 tuổi, chân bé chưa phát triển vòm như người lớn. Vì thế hãy chọn cho bé những đôi giày có đế hình dạng đầy đặn như chân bé, thay vì giày có hình dạng đế lõm vào ở mặt trong bàn chân.

GÓT GIÀY

Đối với trẻ chập chững tập đi, bạn nên chọn giày phẳng không gót sẽ giúp bé đi dễ dàng hơn và quá trình tập đi cũng nhanh hơn.

Với bé lớn hơn, bạn có thể cho bé mang những đôi giày có gót cao khoảng 1 -2 cm sẽ giúp bé đi lại dễ dàng hơn. Đặc biệt là bé gái sẽ giúp bé định hình dáng đi uyển chuyển, nữ tính hơn. Tuy nhiên, không nên chọn gót giày quá cao, có thể là cho bàn chân bé bị trượt về phía mũi giày, gây khó chịu ở các ngón chân.

KIỂU GIÀY CÓ PHÙ HỢP ĐỘ TUỔI CỦA BÉ KHÔNG?

ĐỘ TUỔI CHƯA BIẾT ĐI

Với trẻ sơ sinh, bé chỉ cần một đôi vớ rộng vừa phải để giữ ấm cho đôi chân. Khi bé lớn hơn một tí, ở độ tuổi biết bò, bé có thể đi chân đất trong nhà để chân được phát triển một cách bình thường và thoải mái. Nhưng khi ra ngoài, bé cần một đôi giày vải mềm, vừa vặn chân bé từ hình dạng đến kích thước.

ĐỘ TUỔI TẬP ĐI

Các nghiên cứu chỉ ra rằng bàn chân trẻ em khỏe mạnh và phát triển tốt khi bé được tập đi bằng chân đất. Do đó, hãy cho ưu tiên cho bé tập đi trong nhà bằng chân đất, chỉ cho bé mang giày ra ra ngoài.

Trẻ mới biết đi từ 9 tháng đến 3 tuổi sẽ thường xuyên ra mồ hôi ở chân. Vì vậy bạn cần chọn cho bé những đôi giày thoáng khí, chất liệu tổng hợp thấm mồ hôi tốt cho bé.

Như đã chia sẻ ở trên, giai đoạn đầu tập đi từ 9-18 tháng, bạn nên chọn cho bé một đôi giày đế bằng phẳng để bé tập đi dễ dàng hơn. Về chất liệu, giày bằng da hoặc vải canvas (vải bố) sẽ giúp bảo vệ chân bé tốt hơn. Đồng thời, giúp bé thoải mái hơn với độ co giãn của 2 chất liệu này. Một điểm quan trọng nữa, đế giày phải làm bằng nhựa hoặc cao su êm chân có khắc nhiều rãnh để ma sát tốt, chống trơn trượt, làm bé dễ té ngã.

Nói chung, ở độ tuổi này, bé phải thường xuyên tập đi nên tốt nhất bạn nên chọn cho bé một đôi giày nhẹ để bé có thể đi lại dễ dàng.

ĐỘ TUỔI ĐI HỌC

Ở độ tuổi này, bạn có nhiều sự lựa chọn hơn cho bé như giày thể thao, sandal, dép, giày lười… Nhưng hãy để ý đến PHONG CÁCH và SỰ PHÙ HỢP với tính cách của bé. Vì ở độ tuổi này bé bắt đầu hình thành tính cách và sở thích trong môi trường đi học.

Để đơn giản hóa, bạn hãy chọn giày cho bé theo 3 tiêu chí:

  • Giá cả hợp lý: Vì độ tuổi này bé cần được thay giày thường xuyên với nhiều loại giày đa dạng phục vụ cho mục đích hoạt động của bé
  • Phong cách giày phù hợp tính cách của bé: Tốt nhất hãy cho bé được chọn đôi giày mà bé thích. Từ đó bạn cũng phần nào hiểu hơn về tính cách của bé
  • Giày vừa vặn với bé như đã hướng dẫn ở trên

NHỮNG VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP Ở CHÂN BÉ

Giai đọan trẻ sơ sinh đến 5 – 6 tuổi là giai đoạn chân bé định hình, cứng cáp hơn. Vì vậy, bạn cần để ý chân bé, chọn giày để chân phát triển thoải mái và bình thường. Một số vấn đề có thể gặp trong giai đoạn phát triển bàn chân bé mà bạn nên lưu ý là sự phát triển của các ngón chân phải thẳng và phát triển đều; cổ chân phải thẳng – khi bé đứng 2 chân phải thẳng và vuông góc với mặt đất; khi đứng thẳng gót chân 2 bên phải đặt vuông góc với sàn; bạn cũng nên để ý thêm về bàn chân của bé phẳng hay có vòm cao…

Khi có những điểm bất thường đáng lo ngại, hãy đi khám và nhờ bác sĩ tư vấn để có biện pháp kịp thời và hiệu quả.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

BBShine - Thiên đường đồ cho bé
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn
zalo